Nguyên nhân Loạn_An_Sử

Trung Quốc thời Đường, năm 700

Sau giai đoạn cực thịnh trong những năm đầu thời Đường Huyền Tông, sự cai trị của nhà Đường nảy sinh những mâu thuẫn trong đời sống xã hội. Cuộc nổi dậy của họ An và họ Sử có thể được lý giải từ nhiều nguyên nhân.

Mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân

Đường Huyền Tông

Đường Huyền Tông trong cuối những năm Khai Nguyên (713-741) đã say sưa trong phú quý, chểnh mảng chính sự. Sang niên hiệu Thiên Bảo (từ 742), Huyền Tông càng lo hưởng lạc và mất sáng suốt[1].

Không chỉ riêng vua Huyền Tông, những người trong tông thất và quan lại đều có đời sống xa xỉ. Cùng lúc, nhà Đường vẫn gây những cuộc chiến với các nước xung quanh khiến chi phí của triều đình ngày càng nhiều, sức ép về tài chính ngày càng đè nặng. Để giải quyết sự mất cân đối giữa thu và chi, triều đình tăng mức sưu thuế mà nhân dân phải đóng góp. Nhiều quan lại địa phương nhân lệnh tăng thuế của triều đình trung ương để tăng cường vơ vét của dân làm giàu. Một số người dân không chịu nổi mức thuế cao phải bỏ trốn. Để bù phần thiếu hụt của những người bỏ trốn, triều đình lại bắt chia số thiếu của người bỏ trốn đánh đều vào những người xung quanh. Bị bóc lột nặng nề hơn, những người sống yên lành lúc đó không còn chịu nổi sưu cao thuế nặng cũng buộc phải bỏ trốn theo những người kia[2].

Thậm chí có viên tướng Vương Hỏng giữ chức Hộ khẩu sắc dịch sứ còn ra lệnh truy thu thuế với những người lính chết trận mà chưa được tướng chỉ huy ngoài vùng biên cương xóa bỏ hộ tịch, trong đó có người bị truy thu thuế tới 30 năm. Ngoài sưu thuế, người dân còn phải chịu chế độ binh dịch rất nặng nề. Điều đó khiến mâu thuẫn giữa chính quyền nhà Đường và nhân dân ngày càng sâu sắc[2].

Mâu thuẫn sắc tộc

Từ cuối những năm Khai Nguyên sang đầu những năm Thiên Bảo, Đường Huyền Tông nhiều lần điều quân đi đánh các nước lân cận ở phía tây, tây nam, phía bắc và đông bắc như Thổ Phồn, Nam Chiếu, Khiết Đan, Đại Thực… khiến không chỉ dân trong nước oán hận về binh dịch mà còn gây thù với những dân tộc xung quanh.

Từ thời nhà Tùy, có nhiều người Đột Quyết đã di cư tới phía bắc U châu; tại Liêu Tây có nhiều người Hề và người Khiết Đan đến cư trú. Họ vẫn bảo lưu tập tục truyền thống của mình. Cuối thế kỷ 7 từng xảy ra việc ngược đãi người dị tộc của tướng nhà Đường khiến họ nổi dậy chống lại. Khi mới lên ngôi, Đường Huyền Tông đã dàn xếp được mâu thuẫn tạm thời, nhưng tới những năm Thiên Bảo tình hình lại căng thẳng.

Mâu thuẫn trong giới cầm quyền

Trong nội bộ giai cấp thống trị nhà Đường, ngày càng nhiều mâu thuẫn nảy sinh giữa các phe phái không chấm dứt. Trong thời hậu kỳ, Đường Huyền Tông ngày càng mê muội, xa lánh những quan lại trung lương nên họ phải rút khỏi chính quyền. Một nhóm gian thần cầm đầu là Lý Lâm Phủ (một người họ xa trong tông thất), một nhóm khác là các hoạn quan đứng đầu là Cao Lực Sĩ cùng trỗi dậy. Bên cạnh đó, lực lượng ngoại thích do Dương Quốc Trung (có cùng cụ nội với Dương Ngọc Hoàn) cũng có quyền thế ngày càng lớn. Các phe phái trong triều đấu tranh khi ngấm ngầm khi công khai đều nhằm mục đích tư lợi không vì lợi ích quốc gia khiến việc chính trị ngày càng rối ren[3].

Sai lầm về chính sách biên cương

Một trong những sai lầm lớn của Đường Huyền Tông là áp dụng chính sách "trong nhẹ ngoài nặng" theo tể tướng Lý Lâm Phủ.

Trước đây nhà Đường thịnh hành một nguyên tắc "trong nặng ngoài nhẹ" cho người lính luân phiên chịu binh dịch và làm ruộng; nhưng sau đó áp dụng chế độ mộ binh khiến người lính trở thành những quân nhân chuyên nghiệp. Chế độ này tuy nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ, nhưng mặt khác lại khiến người lính phụ thuộc nhiều hơn vào thủ lĩnh chỉ huy chứ không phụ thuộc vào triều đình. Hơn nữa, Đường Huyền Tông ham mở rộng lãnh thổ, cho các tướng tự mình mộ binh và nuôi quân để lập công, nên binh lực các trấn ngoài biên của các tướng địa phương ngày càng mạnh. Theo thống kê những năm đầu niên hiệu Thiên Bảo, binh lực của các trấn vùng biên có tới 49 vạn, trong khi quân triều đình trung ương do nhà Đường trực tiếp quản lý tại kinh thành và các châu chỉ có 8 vạn người[4]. Con số chênh lệch đó phản ánh rõ tình trạng "trong nhẹ ngoài nặng".

Ngoài quân sĩ, Đường Huyền Tông còn nghe theo Lý Lâm Phủ ra quyết sách sai lầm trong chính sách nhân sự với các tướng sĩ. Từ khi nhà Đường khai lập, các tướng trông giữ biên cương đều là những trung thần có đủ tài đức. Do đó sau một thời gian họ lập công ngoài biên ải, triều đình đều triệu về cho giữ chức vụ cao, kể cả Tể tướng, như Lý Tĩnh, Lý Tích, Lưu Nhân Quỹ, Lâu Sư Đức, Tiết Nột, Quách Nguyên Chấn, Trương Gia Trinh, Trương Duyệt, Tiêu Khao… Đối với các Phiên tướng (tướng người thiểu số), dù họ có lòng trung thành, nhà Đường vẫn luôn khống chế chức vụ, dù để họ làm tướng cầm quân nhưng vẫn phân công một đại thần người Hán đi kèm giữ vai trò thống soái nhằm kiềm chế họ[5].

Chính sách này giúp hạn chế tình trạng cát cứ của các tướng lĩnh địa phương, không ai nắm quyền ngoài biên ải quá lâu; và các tướng người thiểu số có sự giám sát. Nhưng đến khi Lý Lâm Phủ làm Tể tướng sợ các tướng ngoài biên ải về giành mất ngôi đầu triều của mình, nên kiến nghị Huyền Tông áp dụng chính sách dùng các tướng "người Hồ" làm thống soái ngoài biên cương, không khống chế họ ở dưới một đại thần người Hán của triều đình nữa. Lý do Lý Lâm Phủ nêu ra là các tướng người Hồ dũng cảm thiện chiến, không có mối quan hệ xã hội phức tạp ở trung nguyên, không biết chữ Hán, cô lập không có bè cánh, như vậy đáng tin cậy hơn các tướng người Hán. Đường Huyền Tông nghe theo. Các tướng người Hồ dù lập nhiều công nhưng không có cơ hội về triều trở thành Tể tướng do trình độ văn hóa thấp và điều đó khiến Lý Lâm Phủ yên tâm với ngôi vị của mình[5].

Ngay trước khi Lâm Phủ nêu kiến nghị này, đã xảy ra vụ án tướng Vương Thừa Tự đang làm Tiết độ sứ Hà Tây bị vu cáo muốn dùng binh lực bản bộ giúp Thái tử lên ngôi hoàng đế. Đường Huyền Tông không xét đoán đã ra lệnh bắt ngay Vương Thừa Tự xử tử. Đúng lúc đó nghe kiến nghị của Lý Lâm Phủ, Huyền Tông lập tức chấp nhận, bèn đề bạt các tướng người Hồ như An Lộc Sơn, An Tư Thuận, Kha Thư Hàn, Cao Tiên Chi làm đại tướng. Các tướng người Hồ, điển hình là An Lộc Sơn, có cơ hội phát triển lực lượng riêng vùng biên ải ngày càng trở nên lớn mạnh ngoài sự khống chế của triều đình[5].

Đương thời 10 trấn nhà Đường năm 742 dưới thời Đường Huyền Tông có thực lực quân sự như sau[6]:

Thứ tựTên phiên trấnLỵ sở vùng kiểm soátSố línhSố ngựa
1An TâyKucha (lưu vực Tarim)24.0002.700
2Bắc ĐìnhBesbalik (gần Urumqi)20.0005.000
3Hà TâyLương châu (miền trung Cam Túc)73.0007.900
4Sóc PhươngLinh châu (thượng lưu Hoàng Hà)64.70013.300
5Hà ĐôngThái Nguyên (Sơn Tây)55.00014.800
6Phạm DươngU châu (Bắc Kinh)91.0006.500
7Bình LưDinh châu (Sơn Đông)37.5005.500
8Lũng HữuXiển châu (Kokonor)75.00010.000
9Kiếm NamThành Đô (Tứ Xuyên)30.9002.000
10Lĩnh NamQuảng châu15.400(không rõ)